Welcome

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

MEDLAR FRUIT


Táo Mèo - Sơn Tra - Medlar Fruit (Fructus Crataegi)


Quả Táo Mèo (hay còn được gọi là quả Sơn Tra), thường được dùng như một vị thuốc trong đông y. Loại quả này có tác dụng tiêu hóa thức ăn tích trệ, tán ứ huyết, sát trùng, tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa, hạ huyết áp, giảm cholesterol, kháng khuẩn tốt, bảo vệ gan, chống ung thư... 

Táo mèo là tên người H’Mông gọi quả sơn tra (Fructus Crataegi) thu hái từ một số cây thuộc chi sơn tra (Crataegus), họ hoa hồng (Rosaceae). Chi sơn tra có khoảng 280 loài, phân bố ở nhiều quốc gia: Nga, Ba Lan, Hungary, Ðức, Anh, Thuỵ Sĩ, Pháp, Trung Quốc, Hàn quốc, Nhật bản, Việt Nam… trong đó, quả của cây C.pinnatifida, C.monogyna, C.oxycantha và C.laevigata được sử dụng nhiều nhất.

Tuỳ theo quốc gia mà cách phát âm tên vị thuốc khác biệt ít nhiều. Chẳng hạn, người châu Âu gọi sơn tra là Hawthorn, người Trung quốc gọi là Shanzha, người Nhật bản gọi là Sanzashi, người Hàn Quốc gọi là Sansaja… Ở Việt Nam, cây sơn tra mọc tự nhiên và trồng ở các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La… trên các dãy núi cao 1.500 – 2.000m. Tiếng dân tộc H’Mông gọi Sơn Tra là Tu Di, tức Táo Mèo.




Về thành phần hoá học, thịt quả Sơn Tra tươi chứa 0,7% chất đạm, 0,2% chất béo, 22% chất đường, có các acid hữu cơ như Crategolic acid, Malic acid, Oxalic acid, Succinic acid, Acetic acid, Citric acid, Ursolic acid, Linoleic acid, Linolenic acid, Palmitic acid, Oleic acid, Stearic acid, giàu vitamin C (0,03% - 0,1%, đứng hàng thứ tư trong các loại hoa quả giàu vitamin C), vitamin B2 (đứng hàng đầu trong các loại hoa quả, ngang với chuối tiêu), Caroten (đứng thứ hai trong các loại hoa quả) và Canxi (mỗi 100g Sơn Tra có chứa 85mg Canxi thuộc loại cao nhất trong các loài hoa quả). Ngoài ra, sơn tra còn chứa Chì, Sắt, Tanin, Acetylcholine, Phytosterrin.

Giúp ăn uống ngon miệng

Theo y học cổ truyền, Sơn Tra có vị chua ngọt, tính hơi ấm, quy kinh can, tỳ, vị, thuộc nhóm thuốc tiêu thực hoá tích, giúp tiêu hoá do tăng bài tiết axit mật và pepsin dịch vị. Công dụng chủ yếu là điều trị các chứng rối loạn tiêu hoá do ăn nhiều thịt, dầu mỡ, trẻ em ăn sữa không tiêu… Đây chính là tác dụng giúp ăn uống ngon miệng của vị thuốc này.

Thực nghiệm invivo cho thấy dịch chiết sơn tra có tác dụng ức chế trực khuẩn E.coli, trực trùng lị, bạch hầu, thương hàn, tụ cầu vàng khá mạnh. Khi sao đen (Sơn Tra thán) có thể hấp thu hầu hết độc tố của vi khuẩn và các chất hoại tử, làm giảm kích thích thành ruột, giảm nhu động ruột, cầm tiêu chảy, kiết lị do nhiều nguyên nhân khác nhau.


Hạ mỡ máu, kháng khuẩn, bảo vệ gan

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, Sơn Tra có tác dụng kháng khuẩn, cường tim, làm giãn động mạch vành, chống rối loạn nhịp tim, hạ áp, bảo vệ tế bào gan, tăng cường công năng miễn dịch, trấn tĩnh an thần, chống co thắt, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, điều chỉnh rối loạn lipit máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, phòng ngừa đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, béo phì, lị trực khuẩn cấp, viêm ruột cấp, tiêu chảy do nhiễm giun sán, viêm cầu thận cấp và mạn tính, hậu sản, ứ trệ gây đau bụng…

Các nhà y học Trung Quốc đã dùng viên Sơn Tra Giáng Mỡ (mỗi viên chứa 0,06g bột chiết Sơn Tra) điều trị rối loạn lipit máu với liều uống mỗi ngày ba lần, mỗi lần hai viên, liệu trình bốn tuần. Kết quả cho thấy, nồng độ cholesterol và triglycerid huyết thanh giảm với tỷ lệ 76% và 88%. Người châu Âu đã sử dụng Sơn Tra để làm thuốc từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Đến thập niên 70 của thế kỷ trước, vai trò của Sơn Tra trong việc tăng cường chức năng tuần hoàn, giảm mỡ máu, giãn mạch, điều hoà huyết áp đã được chứng minh. Chiết xuất Sơn Tra có mặt trong hơn 100 đặc chế trị bệnh tim mạch như: Crataegutt, Eurython, Esbericard, Cratamed...

Chất nào trong Táo Mèo bảo vệ tim mạch?

Theo TS. Dharmananda (Giám đốc viện Y học cổ truyền, Portland, Oregon) các tác dụng sinh học của Sơn Tra có liên quan đến bốn nhóm hợp chất chủ yếu: các flavonoid (hyperoside, luteolin-7-glucoside, rutin, quercetin, vitexin, vitexin rhamnosides), Oligomeric procyanidins và flavans (catechin, epicatechin polymers), các dẫn xuất Triterpene (oleanolic axit, ursolic axit), các axit hữu cơ (citric, tartaric, ascorbic), các phenolic đơn giản (chlorogenic axit, caffeic axit). Các flavonoid làm gia tăng lưu lượng máu qua động mạch vành, tăng nhịp tim, giãn mạch vành, giảm xơ vữa động mạch. Sơn Tra còn cho tác dụng tốt trong các trường hợp nghẽn mạch máu tim. Kết quả thực nghiệm tại phòng thí nghiệm dược lý – viện cây thuốc và tinh dầu Nga cho thấy chiết xuất sơn tra có đặc tính chống nghẽn mạch rõ rệt; cải thiện việc đưa oxy về tế bào cơ tim; giảm cholesterol, triglycerid, độ quánh của máu và fibrinogen…

Nhiều thử nghiệm lâm sàng cũng đã chứng minh tác dụng bảo vệ tim của chiết xuất Sơn Tra: tăng cường tuần hoàn tim và não bộ trong các trường hợp nghẽn mạch, đau thắt ngực, tăng huyết áp, chậm nhịp tim. Các amin trong Sơn Tra có tác dụng tăng cường hoạt động cơ tim, nên vị thuốc này khá hiệu quả với các trường hợp suy tim (được chỉ định cho suy tim độ 1 và 2, đau thắt ngực, chậm nhịp tim).

Tác dụng giảm cân

Sơn Tra có tác dụng làm hạ lipid máu rõ rệt và giảm xơ vữa động mạch. Cơ chế chủ yếu do vị thuốc này có tác dụng tăng nhanh bài tiết cholesterol làm cơ thể không kịp hấp thu chứ không phải chống hấp thu cholesterol. Do đó, Sơn Tra là một vị thuốc rất tốt với bệnh nhân béo phì, rối loạn lipid máu.

Với những người béo phì, đặc biệt là người có tỷ lệ mỡ cơ thể cao, Táo Mèo là loại quả rất tốt cho việc giảm cân. Với những người hay bị đầy bụng do ăn đồ mỡ, chiên xào nhiều, táo mèo sẽ giúp giảm nhanh chóng các triệu chứng đầy hơi khó tiêu,giúp giảm lượng chất béo no không tốt hấp thu vào cơ thể, giúp bạn có vóc dáng thon gọn và sức khỏe tốt hơn.

Táo Mèo mua về có thể chế biến theo nhiều cách như phơi khô làm trà, ngâm đường làm nước giải khát, ngâm rượu, làm ô mai…

Chế biến Táo Mèo

Chọn Táo Mèo:

Theo kinh nghiệm chọn Táo Mèo quả nhỏ, vừa chua vừa chát mới có vị ngon, chín tới, có mùi thơm...

- Sơ chế táo mèo:

Rửa táo với nước sạch, để ráo;
Cắt bỏ núm hai đầu, bỏ chỗ dập, không gọt vỏ, không bỏ hạt vì hạt táo rất tốt;
Bổ đôi, ngâm trong nước sạch một tiếng (nếu không muốn có vị chát của táo);
Ngâm nước muối loãng 30 phút;
Rửa sạch lại, để ráo.


- Táo mèo ngâm đường:

Nguyên liệu: 2 kg táo, 1 kg đường;
Xếp Táo Mèo và rải đường, xen kẽ một lượt táo một lượt đường trong hộp (lọ/bình thủy tinh hoặc nhựa chuyên dùng đựng thực phẩm);
Ngâm trong 2 tuần đến 1 tháng, khi thấy táo bắt đầu nổi lên khỏi nước đường còn lại 1 lượng đường bão hoà ko tan ở đáy, như vậy là đã ngâm đúng và đã bắt đầu dùng được.

- Ngâm tiếp với rượu:


Nước cốt táo đường chắt ra chai khác, để lại quả Táo Mèo;
Đổ tiếp rượu vào bình (chai, lọ) đã có sẵn táo quả vừa ngâm đường ở trên, sao cho phần bã táo chiếm 1/2, rượu tương ứng 1/2 còn lại;
Táo nổi trên rượu. Sau 3 tuần là có thể dùng rượu Táo Mèo... theo cách của bạn.

- Táo mèo ngâm dấm:

Bỏ táo vào một bình thủy tinh, dùng nước sôi để nguội đổ vào bình;
Bỏ thêm chút đường cho táo nhanh lên men. Cuối cùng, lấy một chiếc đĩa ép táo xuống và lấy vải màn buộc bình lại;
Sau một tuần, chắt dấm táo ra một bình thủy tinh. Một tháng sau bạn sẽ có dấm táo để dùng.


- Rượu Táo Mèo khô:

Sơ chế: Táo Mèo khô rửa sạch bằng rượu (Táo Mèo bán ngoài chợ thường được tẩm hóa chất để không mốc vì thế nhất định phải rửa sạch bằng rượu trước khi ngâm);

Chọn rượu ngâm:  Rượu ngâm phải ngon và nhẹ độ, chừng 35-38 độ là tốt nhất. Để được bình rượu Táo Mèo thơm phức thì nên chọn Rượu Nếp. Ngon nhất là chọn được một trong những loại Rượu Ngon Việt Nam.

Chọn bình ngâm: Chọn bình thủy tinh trong suốt để ngắm được màu rượu.

Tỉ lệ Táo Mèo khô và Rượu: 1/10 (100 gram Táo Mèo Khô thì ngâm với 1L rượu).

Cách ngâm rượu:
Cho Táo Mèo đã rửa sạch vào bình thủy tinh. Đổ rượu vào và đậy kín. Để bình rượu nơi thoáng mát, tránh ánh nắng;
Thi thảng lắc đều bình rượu;
Chừng 1 tháng là có thể uống được; để lâu ngon hơn; nếu để hơn 1 năm thì phải chắt lấy rượu cốt còn bỏ bã Táo Mèo.

Yếu tố tạo nên bình rượu Táo Mèo khô ngon:
Táo Mèo khô phải ngon và sạch. Tốt nhất là tìm được loại "cây nhà lá hàng xóm" để chắc không bị bỏ chất bảo quản chống mốc.
Rượu ngon. Đây là yếu tố ít người để ý. Rượu ngon rất quan trọng. Dù bạn có tìm được Táo Mèo ngon mà ngâm với rượu nấu bằng men có ure hay như nhiều người không tìm được Rượu cổ truyền ngon thì mua rượu ... vodka về ngâm cho chắc ăn thì cũng vứt. Bạn sẽ không bao giờ có được bình rượu Táo mèo như ý!!!
Uống rượu Táo mèo ngon thì phải biết pha chế và cách uống. Đây là bí quyết của từng người. 



Chú ý: 
- Táo Mèo không những là vị thuốc có tác dụng giúp tiêu hoá, mà còn có khả năng phòng chống các rối loạn chuyển hoá lipid, giảm mỡ máu, điều hoà hoạt động tim mạch. Tuy nhiên, nếu đang điều trị bệnh tim mạch, người dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng sơn tra.
- Táo Mèo có thể phơi khô để làm trà, hay làm ô mai táo mèo cũng là một món rất hấp dẫn mà vẫn có thể giúp giảm cân.
- Rượu Táo Mèo dùng ngày hai lần mỗi lần 1-2 chén, có thể pha thêm nước cốt Táo Mèo cho hợp khẩu vị



 Nguồn tham khảo: Internet